Tây Tiến đoạn 3

Tây Tiến đoạn 3 

Cảm nhận đoạn 3 bài thơ Tây Tiến

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

 

Gợi ý phân tích đoạn 3 Tây Tiến

1. Giữa nền thiên nhiên khắc nghiệt, hình ảnh người lính hiện lên thật bi tráng. Quang Dũng đã dùng những hình ảnh rất hiện thực để tô đậm cái phi thường của người lính:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

– Hai câu thơ mở đầu gợi lên vẻ đẹp bi tráng. Đầu tiên đó là cái bi thương gợi lên từ  ngoại hình của  người lính ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá. Đoàn quân trông thật kì dị: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Đó là nguyên do của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính làm tóc rụng không mọc lại được, da dẻ héo úa xanh xao. Hiện thực gian khổ ấy không chỉ có trong thơ Quang Dũng mà còn hằn in trong rất nhiều vần thơ thời chống Pháp: “Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật/Đâu còn tươi nữa những ngày hoa” (Thôi Hữu); “Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi” (Chính Hữu)

– Bên cạnh cái bi ta còn thấy cái hào hùng: thủ pháp nghệ thuật đối lập  giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ trong tư thế của người lính. Cách nói  “không mọc tóc” là để tả cái ngang tàng của người lính, lại như có nét đùa vui, hóm hỉnh: không cần tóc mọc. Tác giả không viết “rụng tóc” mà viết “không mọc tóc” vì viết như thế sẽ nói lên cái ý chí không bị động của người lính Tây Tiến, hình như các anh chủ động để trọc đầu để dễ dánh giáp lá cà với địch. Từ màu da xanh xao như lá vẫn toát lên cái “oai hùm”. Kế thừa hình tượng truyền thống về những bậc trượng phu, tráng sĩ, những oai tướng hùm thiêng như Từ Hải, như “ông hùm Đề Thám”, câu thơ mang âm hưởng hào hùng, tráng ca. Điều đó cũng cho thấy người lính Tây Tiến rất lạc quan, yêu đời, coi thường gian khổ.

– Mặt khác cái hào hùng còn hiện lên qua cách dùng từ Hán Việt “Đoàn binh”. Chữ “đoàn binh” chứ không phải là “đoàn quân” đã gợi lên được sức mạnh lạ thường. Kết hợp với  ba từ “dữ oai hùm” câu thơ đã gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, oai của chúa sơn lâm. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ khó khăn.

2. Bên cạnh chất bi hùng, đoạn thơ còn để lại dấu ấn lãng mạn của những chàng trai Hà Nội mang tâm hồn hào hoa:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

– Hai chữ “Mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: “mắt trừng” là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ thề sống chết với kẻ thù. Đôi mắt ấy “gửi mộng qua biên giới” – mộng giết giặc, mộng lập công, mộng hòa bình.

– “Mắt trừng” còn là đôi mắt có tình, đôi mắt “mộng mơ” thao thức nhớ về quê hương Hà Nội: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ). Và trong bóng Hà Nội nào có thể quên một dáng “kiều thơm”. Đó là  bóng hình của những người bạn gái Hà Nội, thanh lịch, yêu kiều, diễm lệ. Với ý nghĩa ấy ta thấy, người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, lãng mạn. Chính tình yêu thương là động cơ đẹp đẽ để họ ra đi chiến đấu, còn lý tưởng cách mạng lại khiến tình yêu thương thêm cao cả, lớn lao.

3. Hai câu tiếp theo ngời lên vẻ đẹp lí tưởng của thời đại: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

– Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” ngắt nhịp 4/3 khiến trọng tâm câu thơ rơi vào chữ “mồ” – một âm tiết mang thanh bằng ở âm vực thấp, và gợi ý niệm về cái chết. Kết hợp với các  từ Hán Việt – “biên cương”, “viễn xứ”  gợi không khí cổ kính, gợi không gian nơi biên giới xa xôi, heo hút hoang lạnh. Nhà thơ nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh, miêu tả về cái chết, không né tránh hiện thực. Trần Lê Văn có nhận xét “Tây Tiến phảng phất nét buồn nét đau, nhưng buồn đau mà không hề bi luỵ”. Quả đúng như vậy, câu thơ tiếp theo dữ dội như một lời thề sông núi:

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

– Bốn từ “chẳng tiếc đời xanh ” vang lên khảng khái, vừa gợi vẻ phong trần đồng thời mang vẻ đẹp thời đại “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. “Chiến trường” là bom đạn khốc liệt là cái chết cận kề là dữ dội nguy nan . “Đời xanh” là tuổi trẻ, là cuộc sống non xanh mơn mởn. Thế nhưng người lính ở đây lại “chẳng tiếc” cho mình.  Câu thơ gợi liên tưởng đến hình ảnh những con người thuở ấy ra đi “đầu không ngoảnh lại”, ra đi “không vương thê nhi”, coi cái chết ngoài chiến trường, lấy da ngựa bọc thây là một niềm kiêu hãnh của trai thời loạn. Hình ảnh ấy không chỉ mang vẻ đẹp của người lính cụ Hồ mà còn phảng phất tinh thần hiệp sĩ. Thật xúc động biết bao khi đọc lại vần thơ của một thời khói lửa đạn bom ấy.

4. Hai câu thơ cuối, Quang Dũng nói về sự hi sinh bi tráng của những người lính:

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

– Cách nói “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính. Quang Dũng tâm sự rằng: “Sự thật khi người lính ngã xuống không có được manh vải liệm. Nói áo bào là nói theo cách nói của thơ xưa để an ủi những người đã nằm xuống”. Thật bi tráng thay, chiếc chiếu cói nhàu rách kia đã từng theo họ suốt chiến trường, là vật bất li thân cũng là tấm áo bào của lòng thành kính đưa những người con ưu tú của dân tộc về với đất mẹ. “Anh về đất” là cách nói giảm, nói tránh đi cái chết làm câu thơ bi mà không lụy. Ý thơ từ đó mang các anh về với thế giới của vĩnh hằng, thế giới của “những người chưa bao giờ khuất – đêm đêm rì rầm trong tiếng đất – những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi)

– Con sông Mã, chứng nhân của lịch sử, bạn đồng hành của Tây Tiến, cũng nhỏ dòng lệ cảm thương lay động cả đất trời, đã gầm lên “khúc độc hành” khúc tráng ca bi hùng rực rỡ nét sử thi “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tiếng gầm ấy là khúc nhạc bi tráng, khúc nhạc thiêng tiễn đưa người lính về với nơi an nghỉ cuối cùng.

5. Tổng kết nghệ thuật: Thành công của đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung chính là việc nhà thơ sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật: phép tương phản, đối lập gây ấn tượng mạnh. Đối lập, tương phản giữa cái ngoại hình ốm yếu, tiều tụy với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ ở bên trong; sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi sắc thái cổ kính; biện pháp tu từ nhân hoá, ẩn dụ… ngôn ngữ sử thi, lãng mạn, hào hùng. Chất thơ mang đậm dấu ấn của trí thức tiểu tư sản.

Đoạn 4. Khúc vĩ thanh của nỗi nhớ

1. Hai câu đầu: “Tây Tiến người đi….. chia phôi”

– Người chiến sĩ ra đi với quyết tâm sắt đá, có chí lớn, quyết lập được chiến công như người chiến sĩ trong bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm:

“Li khách! Li Khách con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giớ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong”

– “Không hẹn ước”, rồi lại “thăm thẳm một chia phôi”, Quang Dũng khẳng định cái ý niệm “Nhất khứ bất phục hoàn” trong hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến cũng là cái ý niệm của chung cả một thời kì, một thế hệ con người. Đã nói nhiều đến Tây Tiến, đã nhắc lại nhiều kỉ niệm Tây Tiến, nhưng cuối cùng cái đọng lại sâu sắc nhất bền vững nhất về Tây Tiến vẫn là cái tinh thần ấy. Giọng thơ trầm, chậm, hơi buồn nhưng ý thơ thì vẫn hào hùng.

– Ý thơ còn gợi cách hiểu thứ hai: qua cách nói “một chia phôi”, “không hẹn ước” tác giả thể hiện sự mến thương cảm phục và nỗi xót xa về những người vệ quốc quân – mùa xuân ấy, ra đi từ đó không về.

2. Câu 3 “ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy”.

+ Mùa xuân ấy, khi “Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông” (Hồ Chí Minh), đoàn binh Tây Tiến xuất quân. Họ ra đi đầu không ngoảnh lại. Họ đã tiến ra sa trường với lời hẹn ước: “Nhất khứ bất phục hoàn”, “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Đó là lời thề, là quyết tâm của cả một thế hệ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Họ bỏ lại sau lưng mình “gian nhà không mặc kệ gió lung lay”, bỏ lại sau lưng “Luống cày đất đỏ – Tiếng mõ đêm trường – Ít nhiều người vợ trẻ – Mòn chân bên cối gạo canh khuya” (Nhớ – Hồng Nguyên).

+ “Mùa xuân” có thể đ­ược dùng nhiều nghĩa: thời điểm thành lập đoàn quân Tây Tiến (mùa xuân 1947), mùa xuân của đất n­ước, mùa xuân (tuổi thanh xuân) của đời các chiến sĩ.

+ Dù hiểu theo cách nào thì “mùa xuân ấy” cũng đã trở thành cái thời điểm một đi không trở lại của lịch sử nước nhà. Sẽ không bao giờ còn có lại cái thuở thiếu thốn đến dường ấy nhưng cũng lãng mạn và hào hùng đến dường ấy.

3. Câu 4 : “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”:

– “Chẳng về xuôi” nghĩa là bỏ mình trên đường hành quân, là ngã xuống trở thành “biên cương mồ viễn xứ”. Thân xác mãi nằm lại miền Tây hoang sơ, tráng lệ với những tên đất tên làng điệp trùng nỗi nhớ.

– “Hồn về Sầm Nứa” chí nguyện của các chiến sĩ là sang nước bạn hợp đồng tác chiến với quân dân Lào chống Pháp, họ quyết tâm thực hiện lí tưởng ấy đến cùng. Cho nên, dù ngã xuống trên đường hành quân, nhưng hương hồn (anh linh) vẫn đi cùng đồng đội, sống trong lòng đồng đội. Tứ thơ này nâng chất sử thi của bài thơ. Câu thơ như cũng vang vọng âm h­ưởng văn tế của Nguyễn Đình Chiểu: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”.

Kết : Đó là hình ảnh người chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…. Đến lúc chết vẫn giữ lời thề. Tây Tiến đau thương mà không bi lụy, mất mát mà vẫn tràn đầy niềm tin. Bốn câu thơ kết thúc đ­ược viết như­ những dòng chữ ghi vào mộ chí. Những dòng chữ ấy cũng chính là lời thề của các chiến sĩ vệ quốc quân một thuở hào hùng. Xin được mượn mấy vần thơ của Giang Nam thay cho lời kết:

“Tây Tiến biên cương mờ lửa khói
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy, con người ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông”
(“Bài thơ ấy” – Giang Nam)

Bình luận