Tây Tiến – đoạn 1

TÂY TIẾN – QUANG DŨNG

I. TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng trước hết là một hồn thơ phóng khoáng và tâm huyết, một tiếng thơ tinh tế và lãng mạn . Ông rất thành công với những bài thơ viết về người lính, trong đó có bài “Tây Tiến”.

2.  Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập đầu năm 1947, thành phần chủ yếu là thanh niên trí thức Hà Nội. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch ở vùng Thượng Lào và một phần của tỉnh Sầm Nứa. Năm 1948, Tây Tiến giải thể thành lập trung đoàn 52. Quang Dũng cũng chuyển sang đơn vị khác. Sau khi rời đơn vị cũ chưa được bao lâu Quang Dũng đã sáng tác bài thơ này tại một ngôi làng nhỏ ở Phù Lưu Chanh bên dòng sông Đáy. Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô”.

 II. KIẾN THỨC TÁC PHẨM

Đoạn 1 (14 câu thơ đầu): Nỗi nhớ về con đường hành quân giữa đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng rất thơ mộng trữ tình:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

 Gợi ý phân tích

1. Hai câu thơ đầu là cảm hứng chủ đạo cho toàn đoạn thơ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

– Cách nói “xa rồi” tạo nên nỗi niềm bâng khuâng, da diết. Điệp từ “nhớ” như để khắc họa sâu thêm về nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ về Sông Mã (chứng nhân lịch sử), nhớ đồng đội (Tây Tiến), nhớ “rừng núi” (địa bàn hoạt động).

– Nỗi nhớ ấy được diễn tả bằng từ láy “chơi vơi”. Đó là nỗi nhớ da diết, miên man, lửng lơ, bâng khuâng, sâu lắng làm cho con người có cảm giác đứng ngồi không yên.

– Nghệ thuật điệp vần “ơi” – “chơi vơi” là vần bằng tạo âm hưởng của tiếng gọi đồng vọng miên man không dứt làm câu thơ sâu lắng, bồi hồi, cứ thế ngân dài tha thiết vọng vào lòng người, vào không gian xa thẳm mênh mông của thế giới hoài niệm.

2. Nỗi nhớ ấy đã mở ra con đường hành quân vừa dữ dội, hùng vĩ nhưng cũng rất thơ mộng trữ tình. Nổi bật trên đó là hình ảnh người lính với bao khó khăn gian khổ nhưng tâm hồn vẫn lãng mạn hào hoa:

          * Thiên nhiên hùng vĩ, khắc nghiệt, dữ dội nhưng cũng rất trữ tình:

– Nhiều địa danh xa lạ được nhắc đến tạo cảm giác hoang vu, bí ẩn về những vùng đất xa xôi, hẻo lánh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu…

+ Ấn tượng về miền Tây Bắc trước hết là Sương:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

               Câu thơ thứ nhất “Sài Khao sương lấp/ đoàn  quân mỏi” ngắt nhịp 4/3, làm câu thơ rơi vào động từ “lấp” và cuối cùng dừng lại ở chữ “mỏi”. Từ đó người đọc hình dung ra cảnh tượng: sương dày đến độ “lấp” cả đoàn quân, đoàn quân bị chìm trong sương, mất đi rồi lại hiện ra mệt mỏi, rã rời. Lại có cái lãng mạn trong “Hoa về” (Hoa nở, hương hoa phảng phất), “đêm hơi” (đêm sương mờ ảo).

+  Ấn tượng thứ hai về Tây Bắc là Dốc và Đèo cao:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

++ Điệp từ “dốc” được nhắc lại hai lần cùng cách ngắt nhịp 4/3 làm câu thơ rơi vào từ “dốc”. Có thể hình dung đèo tiếp đèo, dốc tiếp dốc cứ thế lên cao rồi lại xuống thấp. Sử dụng nhiều từ láy tạo hình: khúc khuỷu (quanh co khó đi), thăm thẳm (vừa sâu lại vừa cao), heo hút (xa cách cuộc sống con người)

++ Câu thơ 7 chữ mà có tới 5 thanh trắc: dốc – khúc – khuỷu – dốc  – thẳm tạo cảm giác trúc trắc, mệt mỏi gây ấn tượng về con đường hiểm trở. Đây cũng là chất nhạc trong thơ Quang Dũng đầy gân guốc, rắn rỏi.

++ Nhân hóa “súng ngửi trời” – vừa gợi lên độ cao rợn ngợp vừa pha chút hóm hỉnh, hài hước của lính.

++ Điệp ngữ “ngàn thước” là một ước lệ nghệ thuật có tính định lượng khắc hoạ vẻ đẹp hùng vĩ, chênh vênh kỳ thú của núi rừng miền Tây. Kết hợp sự tương phản của hai động từ “lên – xuống” trong hai vế câu đã tạo ra cảm giác như con đường hành quân bị bẻ đôi ra – nửa phóng thẳng lên trời xanh, nửa bắn xuống vực thẳm. Nhìn xuống hay nhìn lên đều thăm thẳm, rợn ngợp. Có khi đường lên thì dựng đứng, nhìn qua bên kia thì vực sâu đổ xuống hun hút hiểm trở. Cảnh tượng ấy gợi lên con đường “Thục Đạo nan” trong Đường thi của Lý Bạch.

+ Năm câu trên tả cái dữ dội, câu thứ sáu lại dệt nên bởi những thanh bằng: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Những thanh bằng như kéo dài thêm con đường hành quân nhưng lại tạo cảm giác êm ái nhẹ nhàng. Dường như mỏi mệt ở người lính đều tan biến, thay vào đó là sự êm ái nhẹ nhàng của cảm xúc lãng mạn.

  • Sự kết hợp các thanh bằng trắc trong sáu dòng thơ trên tạo cho đoạn thơ giàu âm điệu. Nói như Xuân Diệu “đọc Tây Tiến, người đọc như ngậm âm nhạc trong miệng”.

 *  Hình ảnh người lính trong sáu dòng thơ trên:

+ Tinh nghịch, hóm hỉnh, lạc quan: cách nói “súng ngửi trời” thể hiện vẻ đẹp của người chiến binh dũng cảm, họ đang chiếm lĩnh tầm cao mà đi tới. Từ đó có thể thấy vẻ đẹp con người ngang tầm với thiên nhiên, vũ trụ.

+ Lãng mạn: Trong gian khổ nhưng vẫn cảm nhận và thưởng ngoạn được cái đẹp của thiên nhiên: hùng vĩ, hiểm trở nhưng cũng rất trữ tình lãng mạn.

3. Bốn câu thơ tiếp theo miêu tả sự hi sinh của người lính giữa bao gian khổ thiếu thốn:

“Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”

– Hai câu đầu nói về sự hi sinh: “không bước nữa” rồi “bỏ quên đời” là nói giảm nói tránh làm cái bi lụy giảm đi mà thay vào đó là chất bi tráng, hào hùng.

– Hai câu sau: sử dụng phép nhân hoá “cọp trêu người – thác gầm thét” để tô đậm cái hoang vu, bí hiểm của đại ngàn Tây Bắc.  Điệp ngữ “Chiều chiều”, “đêm đêm”  lại gợi thời gian hiểm nguy, rình rập.

4. Hai câu thơ cuối cảm xúc thương nhớ phả vào nỗi nhớ bản làng:

“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

– Từ cảm thán “nhớ ôi” dạt dào tình thương, nỗi nhớ. Nhớ “cơm lên khói”, nhớ “thơm nếp xôi” là nhớ hương vị của núi rừng cũng là hương vị của tình quân dân.

– Chữ “mùa em” là một sáng tạo ngôn ngữ để chỉ vẻ đẹp của những cô thiếu nữ Mai Châu.

– Vẻ đẹp của nghĩa tình quân dân, của em, của nếp xôi đã hòa quyện vào nhau làm nên nỗi nhớ bâng khuâng đọng mãi trong lòng người. Cũng từ đó mọi mỏi mệt của chặng đường hành quân đã qua dường như tan biến.

*Nghệ thuật: thủ pháp tương phản, đối lập; các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, cảm thán… bút pháp sử thi lãng mạn hào hùng…

***

Thầy Phan Danh Hiếu

GV Luyện Thi Ngữ Văn Quốc Gia

Bình luận